Đặc điểm Thần_học_Calvin

Có thể tóm tắt thần học Calvin trong năm luận điểm, nhấn mạnh đến quyền tể trị của Thiên Chúa trong mọi sự - trong sự cứu rỗi cũng như trong đời sống.

Ân điển tể trị

thần học Calvin nhấn mạnh đến sự phá sản về phương diện đạo đức trong bản chất của con người, làm nổi bật ân điển cứu chuộc của Thiên Chúa. Vì nhân loại sa ngã nên không có khả năng trong lĩnh vực đạo đức và tâm linh để bước đi theo Chúa hoặc tránh khỏi sự đoán phạt, nhưng chỉ bởi sự can thiệp của Thiên Chúa làm thay đổi tấm lòng chai sạn của con người để biến họ từ những kẻ phản loạn trở thành các con dân biết vâng phục.

Theo quan điểm này, chỉ bởi ơn thương xót của Thiên Chúa, đấng đã đoán phạt con người vì tội lỗi của họ, lại tuyển chọn một số người để bày tỏ ơn thương xót của ngài. Một người được cứu rỗi không phải do lòng khao khát, đức tin, hay đức hạnh của người ấy, nhưng chỉ vì sự chọn lựa của Chúa. Mặc dù con người phải tin và đáp ứng với lời kêu gọi của Phúc âm để được cứu, ngay cả lòng vâng phục của người ấy cũng là sự ban cho đến từ Chúa; như thế, do ý chỉ tuyệt đối của ngài mà Thiên Chúa hoàn thành sự cứu rỗi dành cho tội nhân.

Trong thực tế, giáo huấn này về ân điển tể trị của Thiên Chúa đã mang lại nhiều sự khích lệ cho hội thánh vì giúp tín hữu nhận biết tình yêu bao la của Thiên Chúa để cứu những con người hoàn toàn tuyệt vọng, đập tan lòng kiêu ngạo và sự tự tin, cũng như đem đến nhận thức rằng sự cứu rỗi của họ hoàn toàn phụ thuộc vào ân điển của Thiên Chúa. Do đó, sự thánh hóa đòi hỏi một thái độ phụ thuộc vào quyền năng Thiên Chúa hầu có thể thanh tẩy tấm lòng ô uế khỏi quyền lực tội lỗi và vui hưởng cuộc sống phước hạnh trong Chúa.[3]

Năm Luận điểm

thần học Calvin thường được tóm tắt trong Năm Luận điểm gọi là học thuyết ân điển. Đây là năm luận điểm phản bác năm luận điểm của Thần học Arminius, cũng là bản tóm tắt những kết luận của Hội nghị Dort năm 1619.Do đó, năm luận điểm này được dùng để trình bày sự khác biệt giữa thần học Calvin và Thần học Arminius hơn là một bản tóm tắt hoàn chỉnh quan điểm thần học của Calvin và các giáo hội Cải cách. Năm luận điểm này cũng được gọi là TULIP.Năm Luận điểm Calvin xác định rõ ràng rằng Thiên Chúa có quyền năng cứu rỗi bất cứ ai mà ngài thương xót, và không hề bị tác động bởi đời sống tội lỗi hoặc sự bất lực của con người.

Sa ngã toàn diện

Giáo thuyết về sự sa ngã toàn diện nhấn mạnh rằng do sự phạm tội của thủy tổ loài người, AdamEva, mọi người sinh ra đời đều bị ở dưới quyền lực của tội lỗi. Từ bản chất, con người không muốn hết lòng hết sức yêu kính Thiên Chúa, nhưng chỉ biết quan tâm đến quyền lợi của mình và khước từ tuân theo lề luật của Chúa. Như thế, con người bẩm sinh, về mặt đạo đức, không có năng lực chọn lựa theo Chúa để được cứu, bởi vì, theo bản chất tự nhiên, họ không hề muốn được như thế.

Tuyển chọn không điều kiện

Giáo thuyết tuyển chọn không điều kiện khẳng định rằng Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước những người ngài muốn đem đến cùng ngài mà không dựa vào công đức hoặc đức tin của họ. Sự tuyển chọn này chỉ lập nền trên lòng thương xót của Thiên Chúa.

Sự chuộc tội có giới hạn

Cũng được gọi là "sự cứu rỗi đặc biệt", giáo thuyết chuộc tội có giới hạn dạy rằng sự đền tội thay cho tội lỗi loài người của Chúa Giê-xu chỉ dành cho những người được chọn. Được lập nền trên quyền tể trị của Thiên Chúa trong sự cứu rỗi và bản chất của sự đền tội thay theo quan điểm thần học Calvin, theo đó, sự đền tội nghĩa là Chúa Giê-xu nhận lãnh sự trừng phạt thay cho tội nhân, do đó, sẽ là không hợp lý khi Thiên Chúa phải trả giá cho tội lỗi của một số người rồi lại đoán phạt họ vì tội lỗi của họ (do họ không chịu chấp nhận sự chuộc tội qua cái chết trên thập tự giá của Chúa Giê-xu). Theo quan điểm này, sự chết thay đền tội của Chúa Giê-xu chỉ giới hạn cho người được chọn, là những người chấp nhận Chúa Giê-xu là đấng đền tội thay cho họ.

Ân điển không thể cưỡng chống

Giáo thuyết ân điển không thể cưỡng chống xác định rõ ràng rằng ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa sẽ tác động trên người được chọn, và vào đúng thời điểm Chúa đã định, sẽ bắt phục họ vâng theo tiếng gọi phúc âm mà nhận lãnh sự cứu rỗi.Giáo thuyết này không cho rằng không thể cưỡng chống mọi ảnh hưởng của Chúa Thánh Linh, nhưng tin rằng quyền năng của Chúa Thánh Linh sẽ vượt qua mọi trở ngại và khiến cho ảnh hưởng của ngài có tác dụng tối hậu trên tấm lòng người được chọn. Như thế, bởi quyền năng tể trị của Thiên Chúa, người được ngài chọn chắc chắn sẽ được cứu.

Sự bảo toàn các thánh đồ

Còn gọi là "sự bảo toàn vĩnh cửu" (thuật từ "thánh đồ" được dùng trong Kinh Thánh để chỉ những người được biệt riêng cho Thiên Chúa, là những người được cứu rỗi bởi ân điển của Ngài) khẳng định rằng vì Thiên Chúa là đấng tể trị, và ý chỉ của ngài không bị tác động bởi con người hoặc bởi nhân tố nào khác, nên những người được gọi để phục hòa với Thiên Chúa và ở trong mối tương giao mật thiết với ngài sẽ bước đi trong đức tin cho đến cuối cùng; như thế, theo quan điểm này, những người sa ngã mà không ăn năn tội và quay trở lại là những người chưa hề có đức tin thật, hoặc chưa bao giờ được cứu rỗi.

Thần học Giao ước

Mặc dù học thuyết ân điển được nhìn nhận là trọng tâm của thần học Calvin đương đại, thần học giao ước mới là cấu trúc lịch sử hợp nhất toàn bộ hệ thống.[4]

Từ nhận thức sâu sắc về tính siêu việt của Thiên Chúa, thần học Calvin cho rằng mối quan hệ giữa Thiên Chúa với tạo vật của ngài khởi đi từ sự hạ cố của Thiên Chúa. Mối quan hệ được ngài thiết lập là giao ước: mọi điều kiện trong giao ước đến từ ý chỉ bất biến của Thiên Chúa.[5]

Theo quan điểm này, mối quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người lập nền trên hai giao ước, phản ánh sự phân biệt giữa Luật pháp và Phúc âm. Giao ước công đức bao gồm các lề luật đạo đức và thiên nhiên. Theo đó, con người có thể hưởng sự sống vĩnh cửu và phước hạnh dựa trên sự công chính của mình. Nhưng con người đã sa ngã, phạm tội và hư hoại từ trong bản chất, nên bị đoán phạt chiếu theo giao ước.[6] Vì vậy, giao ước ân điển được thiết lập để cứu rỗi loài người, được thể hiện qua các giao ước nối tiếp nhau được chép lại trong Kinh Thánh. Theo đó, sự cứu rỗi được ban cho không phải do công đức con người, mà đến từ lời hứa của Thiên Chúa. Con người chỉ có thể phục hòa với Thiên Chúa nhờ đấng trung bảo là Chúa Giê-xu.[7] Ngài là đầu của những người được chọn, như thế giao ước là nền tảng cho giáo thuyết đền tội thay thế và con người nhận lãnh sự cứu rỗi nhờ sự vâng phục của Chúa Cơ Đốc.[8]

Đức tin trong cuộc sống

Những học thuyết về thực hành đức tin trong sinh hoạt ở hội thánh, trong gia đình, và ngoài xã hội theo tư tưởng Calvin, là kết quả tự nhiên từ sự nhận biết quyền tể trị của Thiên Chúa trong sự sáng tạo và sự cứu rỗi của ngài. Như thế, sự tốt lành và quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện qua những việc tay ngài làm trong tất cả lãnh vực của sự hiện hữu như tâm linh, vật chất, và trí tuệ, dù đó là việc thiêng liêng hay thế tục.Theo thần học Calvin, mọi biến cố trong lịch sử đều ở trong kế hoạch của Thiên Chúa, vì ngài là đấng tạo hóa và là đấng tể trị, cũng là Cứu chúa đối với người được cứu rỗi. Do đó, sự vâng phục và phụ thuộc hoàn toàn của tín hữu vào Chúa Cơ Đốc không chỉ giới hạn trong lãnh vực thiêng liêng (như thờ phượng, tu dưỡng tâm linh hoặc cầu nguyện) nhưng cũng cần có khi sống trong đời thường hoặc khi làm việc.

Thờ phượng

Ý niệm về ý nghĩa của sự thờ phượng cũng là một trong những đặc điểm của thần học Calvin. Theo đó, chỉ có các giáo huấn và hình mẫu về sự thờ phượng chép trong Kinh Thánh mới được chấp nhận. Nói cách khác, Thiên Chúa đã quy định trong Kinh Thánh mọi điều cần thiết ngài muốn con người thực hiện khi thờ phượng ngài trong hội thánh, bất cứ điều gì thêm vào đều không được chấp nhận.

Nguyên tắc thờ phượng này hạn chế quyền lực của giáo hội nhằm bảo vệ quyền tự do của tín hữu. Mặc dù đức tin ảnh hưởng sâu đậm trên mọi khía cạnh của đời sống, giáo hội không được vượt qua thẩm quyền Kinh Thánh mà buộc tín hữu làm những điều Kinh Thánh không dạy bảo.[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thần_học_Calvin http://www.corkfpc.com/calvinismindex.html http://books.google.com/books?vid=ISBN0520031946&i... http://books.google.com/books?vid=ISBN0691009066&i... http://www.monergism.com/ http://www.the-highway.com http://www.the-highway.com/compare.html http://www.truecovenanter.com/reformedpresbyterian... http://www.ccel.org/ccel/calvin/institutes.html http://www.ccel.org/ccel/schaff/encyc02.html?term=... http://www.modernreformation.org/default.php?page=...